Ryan Gosling
Trong môi trường kinh tế xã hội phát triển đầy cạnh tranh như ngày nay, chuyên môn giỏi, hết mình với công việc chưa đủ để mang lại cho bạn một vị trí xứng đáng . Mỗi người cần phải nỗ lực làm việc, học hỏi thật nhiều trên con đường xây dựng sự nghiệp cho riêng mình . Nhưng cho dù có chất cả núi kiến thức trong bụng , đổ hàng tấn công sức cho công việc mà không có sự trao đổi thông tin với mọi người , không có sự giúp đỡ hay nhất là không có sự tin tưởng của người khác, bạn cũng khó gặt hái được thành công . Kỹ năng giao tiếp ngày càng là bí kíp không thể thiếu trong môi trường làm việc hiện đại.
Một kỹ sư cơ khí giỏi có thể sẽ mãi là kỹ sư nếu không trình bày rõ ràng những phương án sản xuất mới của mình. Một nhà kinh tế học sẽ không được trọng dụng nếu không làm người khác hiểu được những chiến lược kinh doanh mới. Và hơn thế nữa, người quản lý càng cần có kỹ năng giao tiếp để thông tin giữa nhân viên và cấp quản lý được trao đổi một cách hiệu quả. Người ta có thể dễ dàng tìm được một bảng điểm, một học bạ đầy ắp điểm giỏi ở rất nhiều trường ĐH trên toàn quốc, nhưng làm sao biết được đằng sau những dấu son trên tờ giấy học bạ ấy là con người như thế nào.
Trong học tập, học sinh phải chăm chỉ làm bài tập. Trong công việc, người ta cần có kiến thức chuyên môn tốt để làm tốt những công việc được giao. Trong cuộc sống, người ta muốn được nhiều người yêu mến. Thế nhưng, nếu không có kỹ năng giao tiếp, làm sao một học sinh có thể trình bày thắc mắc với thầy cô giáo, làm sao người ta trình bày những sáng tạo của mình trong công việc, làm sao người ta biết cười để chiếm lấy tình cảm của mọi người? Kỹ năng giao tiếp thật sự là miếng ghép quan trọng nhất trong bức tranh thành công của mọi cuộc đời.
Lợi ích của kỹ năng giao tiếp rõ ràng đến nỗi không ai là không hiểu. Nhưng có một kỹ năng giao tiếp tốt thật ra lại là điều khó đạt được. Ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh cãi vã giữa hai người đàn ông mặc quần tây áo sơmi chỉ vì một va chạm nhỏ trong giao thông thay vì một câu xin lỗi hay phàn nàn nhỏ nhẹ. Nhớ lại thời đi học, hình như bản thân ta vẫn hay ấp úng ngại ngùng mỗi khi giơ tay phát biểu một điều mình biết rõ. Một tập thể cũng có thể bị chia rẽ chỉ vì một câu nói không khéo, một cử chỉ chưa đẹp của một thành viên. Hai người có thể mãi mãi không hiểu nhau chỉ vì không với tay chào khi tình cờ gặp ở đâu đó.
Với tầm quan trọng của giao tiếp, ngày nay, đã có những khóa học về kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh, trong công việc được đăng tải trên internet . Thế nhưng, cái cơ bản của kỹ năng giao tiếp đến từ những điều rất nhỏ nhặt trong cuộc sống. Thay vì sai khiến, hãy dùng một lời nói nhỏ nhẹ đi kèm một nụ cười, cái bạn nhận được không chỉ là sự giúp đỡ mà còn là sự sẵn lòng của người khác. Chủ động vẫy chào khi gặp người quen để họ biết bạn luôn muốn gặp họ. Thay vì cằn nhằn vì phải chờ đợi trong một cuộc hẹn, hãy biết lắng nghe lí do của người đến trễ. Luôn chào tạm biệt với mọi người khi ra về. Tập suy nghĩ trước khi nói để không nói những điều ngớ ngẩn.Thay vì lí nhí, hãy nói to rõ những kế hoạch, những dự định của mình để chứng tỏ lòng tin của bạn trước rồi sếp sẽ tin bạn như chính bạn tin ở bản thân…
Còn nhiều lắm những “tuyệt chiêu” để bạn chứng tỏ bản thân, “PR” những ưu điểm của mình. Trong kinh tế quan niệm rằng, đồng tiền phải chảy thì nó mới sinh sôi.
Còn trong cuộc sống, thông tin phải trao đổi thì mới sinh tình cảm, sinh quan hệ và cụ thể hóa ý tưởng thành hiện thực.
Trong phạm vi của bài viết, Hiếu Học chỉ xin giới thiệu rất sơ lược về kỹ năng giao tiếp như là một công cụ để trao đổi thông tin, tình cảm với mọi người trong mọi mặt của cuộc sống, từ quan hệ xã hội đến công việc. Kỹ năng giao tiếp là vấn đề lớn, bao gồm nhiều kỹ năng nhỏ không chỉ đơn giản là nói cho hay, như giao tiếp bằng miệng, bằng tai, bằng cử chỉ, văn bản, giao tiếp trong kinh doanh, trong công việc, trong học hành và trong từng ngành nghề cụ thể, và Hiếu Học sẽ giới thiệu đến các bạn trong thời gian sắp tới.
“Đừng đợi người khác khám phá bạn, hãy chỉ cho người ta thấy giá trị của con người bạn.”
Những kỹ năng giao tiếp xã hội cần có :
1 . Điều tiết tâm trạng
Để có niềm vui, trước hết bạn phải là người vui vẻ. Sẽ có những lúc bạn mệt mỏi mà chẳng muốn cười tẹo nào, nhưng chắc chắn bạn biết cách “làm giả” nụ cười. Điều kỳ cục là: những nghiên cứu khoa học chứng minh rằng việc bạn dù chỉ là giả tạo để có một nụ cười thực sự có thể gợi lên cảm giác muốn cười. Cười hay ngáp đều có tính chất lan truyền, vì vậy bạn cứ thoái mái mà cười.
Vậy nếu bạn đang cảm thấy chán nản, hãy suy nghĩ về những điều tích cực như ngày cưới của bạn, một trong những sự kiện quan trọng xảy ra trong thời thơ ấu của bạn hoặc của con bạn, cú đánh golf tuyệt vời nhất mà bạn đã thực hiện,… hoặc thậm chí hãy nghĩ xem bạn trông tuyệt vời thế nào trong chiếc quần jeans yêu thích.
Tóm lại, bất cứ khi nào bạn bắt đầu với những suy nghĩ tiêu cực, hãy lái suy nghĩ của bạn vào thị trấn hạnh phúc với những ký ức ngọt ngào. Và đừng quên, màu sắc cũng ảnh hưởng tới tâm trạng đấy. Những màu sắc sặc sỡ sẽ tốt hơn là những màu đen, xám, nâu.
2 .Tạo ra kỉ niệm
Nếu bạn cảm thấy lạc lõng trong bữa tiệc, hãy “nấp” sau chiếc máy ảnh. Chụp ảnh là cách nhanh nhất phá tan sự ngượng ngùng trong giao tiếp. Với máy ảnh kỹ thuật số, bạn sẽ có hàng tỉ cơ hội “chộp” được những bức ảnh tuyệt vời. Mấu chốt là hãy hô hào mọi người lại gần nhau và hãy chụp những bức ảnh bất kỳ. Điều thú vị nằm ở lúc bạn upload ảnh.
Điều quan trọng là hãy chia sẻ những bức ảnh bạn đã chụp qua những mạng chia sẻ như Flickr, Picasa hay Shutterfly. Đây là cơ hội bạn nhận được những phản hồi, chia sẻ của những người bạn quen trong bữa tiệc.
3 .Giới thiệu bản thân
Khi ở chỗ đông người mà bạn không quen biết ai cả, hãy giải quyết sự cô độc bằng cách cổ điển: bước về phía một người nào đó, đưa tay ra, mỉm cười và nói “Xin chào, tôi là …, rất vui được làm quen với bạn.” Tảng băng trong giao tiếp sẽ được phá vỡ.
4 . Biết cách “chơi”
Hãy chơi một trò chơi xã hội nào đó chỉ để cho vui. Các ông bố, bà mẹ thường khuyên con mình nên học chơi một loại nhạc cụ hay môn thể thao nào đó. Thắng, thua không phải việc quan trọng mà điều quan trọng là những thú vui này giúp con người hòa nhập với xã hội, chia sẻ với bạn bè, tạo dựng nền tảng cho quan hệ cộng đồng và thiết lập mối quan hệ cá nhân.
5 . Đôi khi hãy là đôi tai, đừng là cái miệng
Con người ai cũng yêu âm sắc giọng nói của mình. Tuy nhiên, nhiều lúc, bạn bè cần ta để chỉ lắng nghe mà thôi. Trong những tình huống cần thiết, các cuộc hội thoại sẽ tập trung vào những lời khuyên, cách gỡ rối hay là cuộc tìm kiếm trong tâm hồn. Nhưng cũng có lúc, điều bạn cần ta là một đôi tai cực to trong cả tiếng đồng hồ. Những chuyên gia trong lĩnh vực nhân học gọi trường hợp này là “sự lắng nghe tích cực”. Hãy là người tích cực trong những tình huống cần thiết, vì nhiều khi, chính bạn là người cần được người khác lắng nghe.
6 . Chia sẻ hạnh phúc
Có những điều tưởng chừng rất bình thường đối với bạn nhưng lại quý giá đối với người khác. Hãy bắt đầu bằng những lời khen.
Sau đó, hãy nhớ rằng những món quà nhỏ nhắn trong các dịp đặc biệt như sinh nhật, thăm bệnh rất có ý nghĩa. Hãy đừng quên tặng quà với những ý tưởng tặng mới lạ, đáng nhớ.
7 . Tham gia vào trào lưu Số
Ngày nay, không một cư dân mạng nào có thể phủ nhận sự kết nối tuyệt vời của những mạng xã hội như Facebook bởi chúng là cách mà rất nhiều người dùng để chia sẻ những thông tin cá nhân. Với mạng xã hội, bạn sẽ nhanh chóng và dễ dàng cập nhật những thông tin về người thân, bạn cũ và những gì đang xảy ra trên thế giới này.
8 . Đừng quên nói cảm ơn
Cách cổ điển để nói cảm ơn là bạn viết một lá thư tay cảm ơn. Tuy nhiên, nếu công việc quá bận rộn và việc thư tay tốn thời gian để gửi, hãy gọi điện hoặc viết e-mail để cảm ơn trước khi quá muộn.
Khi viết e-mail cảm ơn, đừng quên đề cập đến lý do bạn không thể viết thư tay. Nếu viết e-mail cảm ơn bữa tối bạn đã được mời đến thì đừng quên kể lại một sự kiện đáng nhớ của bữa tối hôm đó, bày tỏ sự ngưỡng mộ với món tráng miệng hoặc món ăn nào đó mà bạn được mời cũng như sự nhiệt thành của chủ nhà, gửi kèm một bức ảnh bạn đã chụp sẽ càng tuyệt vời hơn. Mục đích của thư cảm ơn là khiến người nhận cảm thấy sự biết ơn của bạn. Vì thế, hãy cảm ơn theo cách mà bạn có thể bày tỏ sự biết ơn của mình.
( thời gian khi bạn đọc được bài viết này thì email là hợp lí , hoặc một tin nhắn trên MXH , hoặc một cuộc điện thoại - ĐV )
9 . Bí quyết giao tiếp hiệu quả
Một trong những bí quyết để trở thành một người giao tiếp tốt là “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Hãy luôn dừng một chút trứơc khi đưa ra câu trả lời.
Một khoảng dừng ngắn (từ 3 đến 5 giây) sẽ mang lại cho bạn cả ba lợi ích sau:
- Thứ nhất, bạn tránh được hành động khiếm nhã là ngắt lời của người đang trò chuyện khi họ chỉ muốn nghỉ lấy hơi một chút trước khi tiếp tục nói.
- Thứ hai, với việc không chen ngang vào cuộc trò chuyện, bạn thể hiện mình suy nghĩ nghiêm túc trước những lời nói của người đối diện.
- Thứ ba, bạn sẽ lắng nghe người đang trò chuyện tốt hơn. Nhờ vậy, những lời nói của họ sẽ ngấm sâu vào tâm trí bạn và bạn sẽ hiểu rõ điều họ đang nói. Với một khoảng dừng ngắn trước khi trả lời, bạn thể hiện mình là một người biết cách giao tiếp.
10 .Đặt câu hỏi khi cần
Một cách nữa để trở thành một người giao tiếp tốt là đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề. Đừng bao giờ tự cho mình đã hiểu hết những gì người khác đang nói hay muốn nói. Hãy hỏi: “Ý bạn muốn nói gì?” nếu bạn chưa hiểu rõ điều họ trình bày.
Người trò chuyện với bạn khó lòng mà từ chối trả lời câu hỏi này. Khi bạn hỏi “Ý bạn muốn nói gì?”, mọi người sẽ giải thích ý họ rõ ràng hơn. Dựa vào đó, bạn có thể hỏi tiếp những câu hỏi mở khác và khiến cuộc trò chuyện được tiếp nối một cách liền mạch.
11 . Nhắc lại và ngắn gọn hơn
Bí quyết thứ ba để trở thành một người giao tiếp tốt là nhắc lại lời của người trò chuyện với bạn một cách ngắn gọn hơn và bằng ngôn từ của chính bạn. Sau khi gật đầu và cười, bạn có thể nói: “Để xem tôi có hiểu đúng ý bạn không. Bạn muốn nói là …”
Nhắc lại lời người khác nói một cách ngắn gọn hơn thể hiện bạn đang thật sự chú tâm và nỗ lực để hiểu ý nghĩ hay cảm xúc của họ. Điều tuyệt diệu là khi bạn biết cách lắng nghe, mọi người sẽ thấy bạn thật cuốn hút. Họ sẽ muốn tiếp xúc với bạn vì họ cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi có bạn bên cạnh.
12 . Luôn luôn lắng nghe
Sở dĩ lắng nghe là một công cụ hữu hiệu trong việc phát triển kỹ năng và nghệ thuật giao tiếp vì nó giúp bạn xây dựng lòng tin. Bạn càng lắng nghe người khác chăm chú, người ta càng tin tưởng bạn hơn. Ngoài ra, lắng nghe cũng góp phần làm người đối diện cảm thấy được tôn trọng hơn.
Cuối cùng, lắng nghe giúp rèn luyện tính kỷ luật của con người. Do trí óc của bạn có thể xử lý từ ngữ ở tốc độ 500 – 600 từ một phút, và mọi người chỉ có thể nói ở tốc độ 100 - 150 từ một phút nên bạn sẽ phải nỗ lực nhiều mới có thể duy trì sự tập trung khi lắng nghe những lời người khác nói. Nếu bạn không luyện tính kỷ luật trong giao tiếp, trí óc của bạn sẽ nhanh chóng “phiêu du” nơi khác. Rèn luyện kỹ năng lắng nghe chính là một cách hay để bạn phát triển tính cách và nhân cách của chính bạn.
13 . Bài tập dành cho bạn
Đây là hai bài tập bạn có thể thực hiện ngay để luyện kỹ năng giao tiếp:
- Đầu tiên, hãy tập thói quen luôn dừng 3 đến 5 giây sau khi nghe người khác nói rồi hãy trả lời.
- Thứ hai, hãy luôn hỏi “Ý bạn muốn nói gì?” nếu bạn chưa hiểu rõ những điều mọi người nói. Việc này sẽ giúp bạn lắng nghe họ tốt hơn.
14 . Để giao tiếp thành công
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường xuyên phải giao tiếp với nhiều người, với nhiều đối tượng thuộc các tầng lớp khác nhau. Sự tinh tế, khéo léo trong cách ứng xử với mọi người đã giúp cho chúng ta đạt tới một nghệ thuật, nghệ thuật giao tiếp.
Có thể, bạn rất khéo trong cách nói chuyện nhưng lại rất khó khi bắt đầu, hoặc kết thúc cuộc nói chuyện. Hãy thử làm theo một số mẹo dưới đây để giúp bạn tự tin hơn nhé.
1. Khi bắt đầu một cuộc gặp, cần chuẩn bị một số vấn đề để thảo luận cũng như các câu hỏi có liên quan. Nếu bạn từng gặp một người nào từ trước đó, cố gắng nhớ những thông tin về anh ấy, các thói quen, sở thích hoặc bất cứ vấn đề gì liên quan đến cả bạn và anh ta.
2. Đầu tiên hãy nói lời chào. Nếu bạn không chắc họ nhớ tên của mình thì hãy giới thiệu tên của bạn để tránh bị bối rối. Cười và bắt tay đối tác.
3. Giới thiệu về mình, cố gắng nhớ tên của đối tác và nên sử dụng thường xuyên.
4. Hãy bắt đầu câu chuyện bằng các câu hỏi mở. Ví dụ “Mọi người tham dự có vẻ rất đầy đủ, anh đến đây được bao lâu rồi?”. Hoặc bạn cũng có thể hỏi về các chuyến đi, hỏi xem họ có quen biết những vị khách khác không, và quen trong trường hợp nào.
5. Lắng nghe và đưa ra các ý kiến phản hồi để thể hiện bạn là người rất quan tâm đến câu chuyện của đối tác. Mắt nhìn đối tác, đừng bao giờ liếc quanh căn phòng trong khi họ đang nói.
6. Bạn nên lắng nghe nhiều hơn nói.
7. Hãy đóng góp ý kiến một cách tích cực. Luôn cập nhật thông tin, sự kiện để câu chuyện thêm phong phú. Hãy bắt đầu bằng câu hỏi: "Bạn nghĩ gì về vấn đề…?", "Bạn đã bao giờ nghe…". Tuy nhiên, cũng cần tránh đưa quá nhiều chủ đề bởi như vậy rất dễ rơi vào tình trạng lan man, nhàm chán.
8. Hãy tiếp cận và liên kết mối quan hệ giữa nhiều người với nhau trong cuộc gặp để câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.
9. Nếu một ai đó đưa cho bạn một tấm card, hãy đón nhận như là một món quà. Cầm bằng cả hai tay, và dành một chút thời gian để đọc nó. Khi đã đọc xong, cất tấm card vào trong túi áo hoặc trong ví để khẳng định giá trị của nó.
10. Ngôn ngữ cơ thể cũng rất quan trọng. Nó sẽ chỉ rõ bạn là người như thế nào. Do vậy, dù muốn hay không, khi nói chuyện với người khác cũng phải thể hiện sự mạnh mẽ, tự tin để người khác cảm thấy bạn là người nhiệt tình.
11. Trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện, hãy quan sát và lắng nghe những phản ứng của đối tác để có những điều chỉnh thích hợp.
12. Khi kết thúc cuộc gặp, hãy chắc rằng bạn rời đi một cách tế nhị. Ví dụ: "Xin lỗi, tôi có một chút việc ở đằng kia, hẹn gặp lại anh nhé!".
--- To Be Continued ---