Tôi ghét ĐH ghét mãnh liệt
( Nhật ký 4 năm mài đũng quần ở giảng đường Đại Học)
Như mọi đứa trẻ 18 tuổi khác, hết cấp 3 thì tôi vào Đại Học (ĐH). Tôi đã cày đêm cày ngày để đậu vào một trường thuộc top. Để rồi từ top, tôi rơi thẳng xuống một vực sâu không đáy. Rơi ngay từ những ngày đầu nhập học và luẩn quẩn suốt bốn năm sau đó.
Những ngày đầu năm nhất, tôi hoang mang thật sự vì chả biết mình phải học gì ở ĐH. Các môn học lạ lẫm, trừu tượng, và CHÁN NGẮT. Không kiểm tra bài cũ, không bài tập về nhà, ba buổi một tuần, suốt 4 tiếng ròng ngồi nhìn một ông thầy duy nhất với các học thuyết Mác Lê, Đường lối Đảng cộng sản, Pháp luật đại cương… Buổi học đầu tiên lơ ngơ láo ngáo, ào một cái giảng viên yêu cầu “các anh chị chia nhóm để thuyết trình” với những đứa sinh viên năm nhất mà power point chỉ lõm bõm, thuyết trình là một khái niệm xa xôi, kỹ năng teamwork xấp xỉ 0, và hoàn toàn xa lạ với nhau.
Điều khiến một đứa khối A là tôi phân vân nhất chính là những môn học ở ĐH không tồn tại đáp án duy nhất. Tôi hoang mang với thứ mà người ta gọi là tư duy phản biện. Chẳng có cái gì đúng sai, mà là ai giỏi cãi lí hơn thôi. Tôi nghi ngờ tất cả những cuốn giáo trình, sách tham khảo, những lời giảng của giảng viên… Những giá trị của tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Và niềm tin của tôi dần biến mất.
Nhưng ở ĐH, học hành không phải là điều quan trọng nhất.
ĐH là môi trường mở. Một khi đã bước qua cổng trường, điểm thi ĐH bao nhiêu không quan trọng, học ngành gì, trường gì cũng không quan trọng, ngày xưa có đạt giải học sinh giỏi thì cũng vứt đi. Mọi thứ đều được san phẳng. Ranh giới xóa nhòa. Và tôi loay hoay ở nơi trống không đó với bản ngã của chính mình
Học ĐH chính là học thích nghi. Thích nghi được thì sống tốt, còn khó thích nghi được (như tôi) thì càng ngày sẽ càng nhốt mình trong một con ốc mà thôi. Như Phan An nói trong cuốn “Trời hôm ấy không có gì đặc biệt”: “Anh dốt chết, anh giỏi chết, chỉ có anh giả chết là sống”.
Nói chung, phải tự bơi.
Ở ĐH, cũng có lớp trưởng, cũng giáo viên chủ nhiệm nhưng giáo viên thì có khi cả năm gặp sinh viên đúng một lần, lớp trưởng thì chỉ quan tâm đến thành tích cá nhân của nó. Không có chuyện mỗi tuần sẽ có giờ sinh hoạt lớp để tổng kết và thông báo. Muốn biết thì lên website trường (mà không chắc là sẽ tìm thấy), hoặc cách khác là đọc ở bảng thông báo trước giảng đường. Từ quy định nộp học phí cho đến chuyện CLB tuyển thành viên, đăng tin mất thẻ sinh viên, thông báo tìm người ở ghép, rồi cả quảng cáo của các trung tâm anh ngữ… Tất cả đắp hết lên bảng thông báo mà nếu như học kì nào tôi không học ở giảng đường đó thì coi như mù tịt thông tin.
Háo hức bước chân vào ĐH với mong muốn được đi làm thêm, tôi may mắn được dẫn vào 3 công ty bán hàng đa cấp. Cũng may là đủ tính táo để bước ra. Rồi từ những tờ rơi dán đầy trên cột điện, tôi đi làm gia sư, đi phát tờ rơi, làm PG, bán hàng ở shop… Những công việc làm thêm kinh điển của sinh viên, làm thì nhiều mà lương thì bèo bọt. Thế mà vẫn chui đầu vào làm với mơ ước làm đẹp CV, để rồi sau này nhận ra chẳng nhà tuyển dụng nào quan tâm đến chúng.
Tôi căm ghét việc điểm số được đánh lô tô tùy theo giảng viên. Tôi đã từng ngây thơ tin rằng nếu cố gắng thì mình sẽ giỏi, sẽ được điểm cao, nhưng hóa ra nó phụ thuộc đa phần vào hên xui nữa. Hên thì học trúng giảng viên dễ, chỉ cần học 2 buổi là có thể qua môn, còn xui thì è cổ ra mà học lại. Và đến năm 3, cái trò “đi thầy” xuất hiện trong lớp tôi. Giảng viên thẳng thừng gợi ý, nhiều đứa trong lớp hưởng ứng, đứa khác thì chậc lưỡi “chuyện thường thôi”. Chỉ khổ mấy đứa nhà nghèo.
Tôi ghét việc để cho những thứ bình thường thành bất thường. Học rớt thi lại, bình thường. Đi thầy, bình thường. Bỏ học, bình thường. “Vì là sinh viên mà”. Điều gì khiến con người dễ chấp nhận sự thất bại đến thế? Tôi từng nghĩ mình sẽ nhận được học bổng, và đến năm 4 thì mong ước đó hạ xuống chỉ còn là ra trường càng nhanh càng tốt.
Và những chuyện tủn mủn khác nữa. Bãi giữ xe đóng tiền mỗi lượt là 2 nghìn nhưng xe vẫn bị phơi ngoài nắng như khô mực. Kiểu làm việc quan liêu của phòng đào tạo. Thái độ khó ưa từ mụ thủ thư ở thư viện cho đến bà lao công. Kiểu cợt nhả của mấy tay bảo vệ ở cổng… Lên ĐH không phải chỉ học giỏi là được, mà còn có kỹ năng, có những mối quan hệ, có việc làm thêm, có cả những mánh khóe, có cả sự đào thải…
Suốt bốn năm, tôi sống lững lờ, trôi vật vờ giữa cái đống hổ lốn ấy. Tôi hoảng sợ thật sự. Giống như người ta đã (bằng mọi cách) đẩy tôi qua một cánh cửa, nhưng lại không trang bị cho tôi bất cứ thứ gì để đương đầu với phía trước. Tôi đọc cuốn sách của Adam Khoo, đọc cả về những bài báo hướng dẫn cách học ở trường ĐH, tôi đi hội thảo dành cho tân sinh viên… nhưng cũng chẳng khá hơn. Tựa như chúng được in với size chữ tí hon, màu sắc mờ nhạt, đọc xong chẳng đọng lại chút gì.
Ngày đó, khi giấc mỡ vỡ òa trong tôi, đã có 1 quãng thời gian dài tôi để mặc cho mọi thứ trôi đi. Tôi lúc ấy loay hoay với những mối quan hệ xung quanh, thấy lạ lẫm và chán chường với môi trường sống mới. Bạn ĐH chỉ là kiểu “vui thì tụ, chán thì tan”, cười nói nhạt miệng, vẫn có cái gì đó lấn cấn, không thể đến gần hơn được. Sau một thời gian thử mở lòng để giao tiếp nhưng thất bại, tôi không còn muốn cố gắng kết bạn nữa. Những ngày học của tôi là cái ngước nhìn về phía bầu trời, nơi những chuyến bay ngang qua 5′ một lần, hay giấc ngủ cuộn tròn trên chiếc ghế trong giảng đường sặc sụa mùi máy lạnh, cảm giác xa lạ đối với vô số tạp âm và ánh mắt xung quanh… Tôi im lặng nhưng chẳng bình yên. Tôi chui vào vỏ bọc của riêng mình, không giao tiếp hoặc nói chuyện 1 cách cộc cằn.
Và tôi đã từng nghĩ về việc tự tử. Có những đêm tôi nằm yên, tim nặng như đeo đá, còn nước mắt thì không ngừng chảy ra. Tự hỏi mình là ai? Điều gì thực sự quan trọng với mình? Hàng trăm lần tôi cố gắng ngóc dậy, bấu víu, tìm lại thứ ánh sáng của những năm cấp 3, một nữ sinh học giỏi, tự tin, năng nổ… Nhưng không thể. Cứ vừa thoát ra được vòng luẩn quẩn thì có một thứ gì đó lại dìm mình xuống ngay lập tức. Tôi rơi vào cả ba thứ khủng hoảng của người trẻ: Khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng thang giá trị, khủng hoảng tuổi trưởng thành. Không có ước mơ nào đủ lớn, không có mục đích nào để theo đuổi, không có niềm vui nào đủ rộng dài. Bước chân vào ĐH đồng nghĩa tôi phải đối mặt với sự trưởng thành, điều đó lại không mấy dễ chịu, nếu không muốn nói là đau đớn. Tôi phải bước 1 mình, phải tự lựa chọn, tự chịu trách nhiệm, tôi cô đơn tột cùng dù đang ở giữa rất nhiều người.
Bốn năm ĐH, tôi muốn xem nó như một quãng đời mà mình muốn bỏ đi. Với tôi, đó là quãng đời có quá nhiều nuối tiếc, mất mát, buồn bã. Niềm vui cũng có nhưng không bao giờ bù đắp nổi. Tôi đánh mất quá nhiều, rồi cũng không chắc những điều nhận về có thể làm được gì hay không. Lễ tốt nghiệp tôi không tham gia, cũng chẳng có một tấm ảnh nào chụp ngày mình cầm tấm bằng trên tay. Tôi muốn vùi sâu đi cái đoạn đời đó, không muốn lưu giữ 1 chút gì cả. 4 năm ĐH, tôi đã giết chết tuổi trẻ của chính mình. Có cảm tưởng những thứ tôi theo đuổi suốt mười tám năm, hóa ra chỉ toàn xây bằng cát. Một cơn gió ào qua, là hết.
Tôi ghét trường Đại học. Ghét mãnh liệt.
SURI
p/s: Nhưng tôi cũng nhận ra, mọi kết quả đều có nguyên nhân. Và nguyên nhân đến từ chính tôi và sự lựa chọn của tôi. Dù gì, Đại Học cũng là một món quà. Đừng chối bỏ nó.
(*) tiêu đề là một câu trong cuốn sách “Những chuyển điệu” của Nguyễn Thiên Ngân
Source : http://19daymagazine.wordpress.com/2013/12/11/toi-ghet-truong-dai-hoc-ghet-manh-liet/
Mình vô cùng đồng cảm với bài viết này. Nó như nói lên hết những nỗi niềm của mình vậy-một sinh viên năm 3. Mình đã hoàn toàn hụt hẫng, thất vọng, mất niềm tin, thậm chí chán ghét 2 chữ ĐH, nơi không biến thành có, biến ít thành nhiều, đơn giản thành phức tạp, hình thức lấn át nội dung, phô trương màu mè các thứ...Phía sau cánh cổng to lớn được dựng lên, được lí tưởng hóa ấy là một thực tế đang diễn ra mà không phải ai cũng chấp nhận được.
Trả lờiXóa